CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN GIẢI PHÁP GMP - 20/02/2020 - 1320
Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra, các quốc gia và tổ chức trên thế giới vẫn tiếp tục gấp rút thử nghiệm phương pháp điều trị cũng như vaccine phòng bệnh.
Tại Trung Quốc, hơn 80 thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành hoặc chờ duyệt nhằm tìm phương pháp điều trị tiềm năng cho COVID-19.
Các loại dược phẩm mới cùng với những liệu pháp điều trị truyền thống hàng nghìn năm tuổi được đăng ký trên Chinese Clinical Trial Registry, cơ sở dữ liệu nghiên cứu y sinh của Trung Quốc. Thuốc chữa HIV, tế bào gốc và thuốc Đông y là những phương án điều trị tiềm năng đang được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo chỉ những thử nghiệm được tiến hành cẩn thận mới giúp xác định phương pháp nào đem lại hiệu quả.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan, Phó Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết đội ngũ của họ đang đánh giá nhiều thử nghiệm ở Trung Quốc cũng như soạn thảo quy trình thử nghiệm lâm sàng để áp dụng thống nhất trên khắp thế giới. Nếu những thử nghiệm ở Trung Quốc không được thiết kế theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt với tham số nghiên cứu như nhóm kiểm soát, tính ngẫu nhiên và cách đo kết quả lâm sàng, nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh sẽ thất bại. Do đó, WHO đang làm việc với các nhà khoa học Trung Quốc để thiết lập tiêu chuẩn ngay từ đầu. Chẳng hạn, giai đoạn phục hồi hoặc suy yếu của người bệnh nên được đánh giá theo cùng một cách, bất kể phương pháp thử nghiệm.
Tại Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này vừa quyết định cho phép một nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Quốc gia về Y tế và Sức khỏe Toàn cầu (NCGM) tiến hành thử nghiệm lâm sàng việc sử dụng thuốc điều trị HIV để chữa trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Trước đó, Trung Quốc, Thái Lan và một số nước khác đã công bố rằng triệu chứng của bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã được cải thiện sau khi họ được dùng thuốc điều trị HIV.
Dự kiến, các nhà khoa học tại NCGM sẽ thử nghiệm thuốc cho các bệnh nhân khác để thu thập thêm dữ liệu và tìm kiếm các phương pháp hiệu quả.
Ngoài ra, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết cho đến nay, các cơ quan chức năng chưa thu thập đủ dữ liệu dịch tễ học về COVID-19 để xác định xem liệu đã xảy ra dịch COVID-19 ở Nhật Bản hay chưa.
Vì vậy, Chính phủ nước này sẽ nhanh chóng thu thập các dữ liệu dịch tễ học về virus này, trong đó có con đường lây nhiễm của COVID-19.
Tại Mỹ, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết, thuốc điều trị COVID-19 có thể sẽ được thử nghiệm và sản xuất bắt đầu từ giữa tháng 3 tới.
Trả lời phỏng vấn hãng FOX Business, ông Navarro nhấn mạnh dịch bệnh đã trở thành mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu và giới chức Mỹ đang hối thúc các hãng dược phẩm đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc điều trị.
Theo ông, loại thuốc có tên Remdesivir của tập đoàn dược phẩm Gilead được đánh giá là khá hiệu quả và việc cần làm hiện nay là nhanh chóng tiến hành các thử nhiệm lâm sàng.
Ngoài ra, hiện các chuyên gia, nhà nghiên cứu của 5 hãng dược phẩm lớn của Mỹ đang dồn sức để đạt mục tiêu có 150 triệu liều vaccine phòng bệnh vào đầu tháng 11 tới.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện có 4 loại vaccine đang được nghiên cứu chế tạo để chống COVID-19, loại vaccine đầu tiên có thể được thử nghiệm trên người vào tháng 4 năm nay.
Vẽ bản đồ đường đi của virus
Các nhà khoa học trên thế giới đang sử dụng các công nghệ mô hình điện toán mới nhất để dự báo về COVID-19, từ số ca tử vong đến đỉnh dịch.
Bộ trưởng Y tế Pháp Agnes Buzyn cho biết bà đã điện đàm với các đối tác thuộc nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) để xúc tiến việc mô hình hóa sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Các mô hình được dựng lên một cách khái quát, tính đến dữ liệu về lịch sử của virus như cách truyền, tỷ lệ tử vong và tỷ lệ phục hồi, cũng như các xu hướng thay đổi hành vi của con người.
Tuy nhiên, chuyên gia Arnaud Banos thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, cho rằng các mô hình tốt nhất vẫn chưa đủ tinh vi và cần được chỉnh sửa thêm.
Để đúng với thời gian thực của các diễn biến dịch, các nhà nghiên cứu đã tiến hành các mô phỏng bằng việc đưa dữ liệu mới khi xảy ra các diễn biến mới.
Tuần này, một nhóm nhà khoa học Anh tại Đại học Dịch tễ và Y học nhiệt đới London đã sử dụng mô hình điện toán để dự đoán thời điểm đỉnh dịch tại tâm dịch Vũ Hán ở Trung Quốc là vào nửa cuối tháng Hai này.
Về phần mình, Giáo sư Rowland KAO, Đại học Edinburgh, bày tỏ thận trọng về kết quả trên khi phát biểu rằng: “Đây là một phân tích của một nhóm chuyên gia giàu kinh nghiệm và tài năng, song như mọi khi, giới hạn về các dữ liệu có thể tiếp cận sẽ ảnh hưởng đến các dự đoán của họ”.
Trên thực tế, một số mô hình được sưu tập từ khi bùng phát dịch đã cho thấy kết quả không chính xác do thiếu dữ liệu. Đó là trường hợp dịch bệnh bò điên bùng phát ở Anh những năm 90 của thế kỷ trước.
Đầu tháng Hai này, một nghiên cứu khác cũng đã dự báo sẽ có ít nhất 75.000 người bị nhiễm tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Vũ Phong (tổng hợp)
Theo http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Nhieu-no-luc-tim-kiem-thuoc-dieu-tri-COVID19/387714.vgp
Danh mục bài viết